[Review Sách] Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế

 Đây là cuốn sách đúc kết kinh nghiệm làm kinh doanh và làm người (theo tôi nghĩ thì tổng hợp lại chính là làm doanh nhân) của ông Inamori Kazuo- Nhà sáng lập công ty Kyocera và công ty KDDL, nguyên Chủ tịch JAPAN AIRLINES. Tôi mới biết tin ông đã qua đời, do đó tôi mong muốn viết bài review này để cảm tạ tinh thần tốt đẹp ông gửi gắm lại hậu thế.


Lần đầu tiên tôi thấy tác phẩm “Con Đường Đi Đến Thành Công Bằng Sự Tử Tế – Vương Đạo Cuộc Đời” là trên giá sách ở quán cà phê của một người bạn cũ. Năm ấy tôi thường ngồi đọc bài Tarot ở đây. Trong lúc chờ đợi khách hàng, tôi đã bị thu hút bởi cuốn sách này và xem liền mạch không dừng lại được.

May mắn thay, về sau tôi được tặng sách để thỏa thích nghiền ngẫm.

Cuốn sách gồm có 12 chương, đan xen chiêm nghiệm của ông Inamori Kazuo với những điều di huấn của ngài Saigo Takamori- “người Samurai chân chính cuối cùng”, thần tượng của ông.

Tôi cảm nhận rằng cốt lõi của tập sách khiêm nhường song không hề nhỏ bé này nằm ở chữ “Nhân”, mà cụ thể là “Kính Thiên, Ái Nhân”.

Trong Kinh Dịch Trung Quốc có viết “tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh”. Nghĩa là càng tích đức thì nhà đó sẽ có nhiều việc tốt đến.

Ông Inamori Kazuo dẫn lối cho những doanh nhân non trẻ đến với con đường chính đạo, là vương đạo của cuộc đời người doanh nhân. Tôi tin rằng những doanh nhân chân chính luôn có lý tưởng sống tốt đẹp. Họ muốn làm giàu không phải để bản thân và gia đình hưởng thụ lối sống xa hoa hay “lùa gà” thu lợi bất chính. Doanh nhân làm giàu vì muốn tạo ra thêm nhiều việc làm, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Họ là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình kiến tạo một xã hội hướng đến “dân giàu, nước mạnh”. Trong vai trò này, trách nhiệm nặng nề, vinh quang thật rực rỡ nhưng thử thách và cám dỗ cũng không hề kém cạnh.

Là một doanh nhân có trải nghiệm thực, có đức tin và quan trọng nhất là dám sống với đức tin này, ông Inamori Kazuo đã không ngừng vươn lên. Ông rất sáng suốt khi nhận xét rằng con người ta dễ thất bại khi đã thành công. Có chút thành tựu, họ thường trở nên kiêu ngạo, vội vã rồi đánh rơi sự sáng suốt, tình người. Bởi vậy, ông cũng thấy rằng thành công không khó, duy trì được thành công mới khó.

Theo ông Inamori Kazuo thành công bền vững chỉ đến với những ai dám chấp nhận đi theo con đường thành nhân- con đường vương đạo chăm lo cho muôn nhà (không phải ngồi trên muôn nhà), không nảy sinh tâm tham, sự đố kỵ, thù hận và si mê u tối. Khác với quan niệm thông thường “thương trường như chiến trường”, chà đạp lên nhau trong cuộc chiến một mất, một còn, ông chọn cho mình lối đi lấy nhân nghĩa, đạo đức làm gốc. Giống như vị samurai Saigo Takamori từng khẳng định trong Điều di huấn thứ 26:

Yêu mình, hay nói cách khác, chỉ cần biết có mình, còn người khác thế nào cũng được là việc tồi tệ nhất. Không học hành tới nơi được, không thành công trong sự nghiệp, không tránh được thất bại, cao ngạo tự mãn với thành tích bản thân, hết thảy đều phát sinh từ một tâm hồn vị kỷ, chỉ yêu bản thân. Vì vậy nhất định không được làm những việc chỉ có lợi cho bản thân.

Nhờ bậc tiền bối đi trước soi sáng, đồng thời cũng dựa vào chính tinh thần ham học hỏi, tinh tấn đầy nghị lực của mình, tôi nghĩ ông Inamori Kazuo đã sống một cuộc đời có ý nghĩa và có giá trị.


Thay cho lời kết

Sau khi đọc lại cuốn sách, cá nhân tôi nhận thấy thêm hai điều đáng để ngẫm nghĩ về bài học ông Inamori Kazuo đề lại.

Một là về những con người tử tế. Xã hội thịnh vượng, tốt đẹp cần những con người tử tế. Nhưng không dễ dàng tìm thấy một con người tử tế từ trên trời rơi xuống hay dưới đất chui lên. Do đó, chúng ta cần tập trung vào giáo dục nhân cách thay vì quá chú trọng đến việc nhồi nhét khối kiến thức, kỹ năng (thậm chí là tiểu xảo) cho công cuộc mưu sinh. Tôi tin rằng phát triển toàn diện không nhất thiết phải gắn với rất nhiều đề mục, môn học, sách vở mà chỉ cần bồi dưỡng nên con người khỏe mạnh, có tài – đức là đủ.

Thứ hai là về lòng thành kính với những nhân cách cao đẹp. Samurai Saigo Takamori là người dẫn đường cho ông Inamori Kazuo. Đến lượt mình, ông Inamori Kazuo lại tiếp tục dẫn lối cho thế hệ kế cận. Nếu học theo những điều tiền nhân để lại (một cách có chọn lọc) thì rất hiếm khi người trẻ lầm lạc. Bởi họ đã đánh đổi cuộc đời để tìm đường. Do đó, trước khi rời khỏi thế giới này, họ sẽ không tiếc gì mà để lại tấm bản đồ được vẽ bằng mồ hôi, xương máu, nước mắt cho thế hệ sau học hỏi. Nên chúng ta đừng quên “ôn cố tri tân“.

Sẽ thật lãng phí khi chúng ta không nhận ra giá trị cốt lõi của đạo làm người mà mải mê chạy theo những hình ảnh hào nhoáng, xa xỉ, những ảo tưởng phi lý được bơm thổi tràn lan bằng sự hời hợt và lòng tham.

Điều di huấn thứ 20

Cho dù có lý luận, phương pháp hoàn hảo đến đâu mà chính người nói không phải là người tốt thì khó mà thực hiện. Trước tiên, phải có người tốt rồi mới có phương pháp. Con người là tài sản quý giá nhất và quan trọng nhất. Chính chúng ta phải cố gắng trở thành con người như vậy.

Mặc dù chưa có dịp được đến nước Nhật, nhưng tôi ngưỡng mộ vẻ đẹp của tinh thần Samurai và cánh hoa Anh Đào- ngay cả trong khoảnh khắc lìa cành rồi tan biến vào hư không vẫn không mất đi tính chính trực.




Đặt Mua Sách Tại Đây

Tham gia cuộc trò chuyện